Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

ĐỂ LÀM KHOA HỌC THÀNH CÔNG, PHẢI ĐAM MÊ VÀ DŨNG CẢM


(Bài viết theo sự đặt bài của Công Đoàn Đại học Nông Lâm Huế cho kỷ yếu hội nghị và tham luận tại Hội nghị "Chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học" của nữ cán bộ viên chức và lao động trường nhân ngày 8/3)

Kính thưa các nhà khoa học nữ hiện tại và tương lai.
Tên chủ đề của tôi có vẻ như một câu khẩu hiệu. Nhưng hãy hiểu rằng, tôi viết bản tham luận này như một lời tâm sự.
Sự đam mê làm khoa học vốn hình thành từ trong tiềm thức con người từ thuở biết làm người, chứ nó không chờ đến lúc người ta kiếm được một việc làm trong một trường Đại học, một cơ quan nghiên cứu! Tuy nhiên điều này cần được nuôi dưỡng trong tâm thức, nhờ đó tạo nên niềm mơ ước và sự đam mê khám phá. Điều này làm các nhà khoa học tương lai không ngừng tìm kiếm cái mới trong cuộc đời mình, và đó là mấu chốt của sự đạt tới một thành công (đôi khi cũng là thất bại) nào đó!
Thời học phổ thông, tôi không bao giờ nghĩ mình trở thành nhà khoa học trong lĩnh vực sinh học và nông nghiệp. Tôi học giỏi các môn khoa học tự nhiên, chỉ mơ ước một ngày nào đó mình trở thành một nhà toán học hoặc vật lý học! Nhưng đến một thời điểm thì tôi tự quả quyết rằng tôi sẽ trở thành nhà địa chất học, và cương quyết rằng sẽ thi vào Đại học ngành địa chất cho thỏa chí tìm tòi, cho đến khi cha tôi biết chuyện và băng rừng Trường Sơn ra miền Bắc đến tận trường Học Sinh Miền Nam Đông Triều để khuyên tôi từ bỏ ý định này. Sau đó thì ngừng mơ ước, cho đến ngày thi Đại học, tôi không biết chọn ngành gì, thấy người ta nói “nhất Y, nhì Dược...”, và tôi thi đỗ Y Khoa Huế. Nhưng một lần nữa theo lời khuyên của cha, tôi xin chuyển sang học ngành Sư Phạm, và vì thi khối B, tôi không có lựa chọn nào khác là Sư phạm Sinh! Và cũng vì thế, những năm học Đại học, điểm các môn học của tôi phần nhiều chỉ trung bình khá! Tôi chỉ thích một số môn học như toán di truyền, sinh hóa, sinh lý (nhưng môn này tôi bị thi lại!), đặc biệt là tôi yêu thích môn tiến hóa và bị hấp dẫn bởi những gì dính đến điện sinh học. Tất cả những sự yêu thích này của tôi đều là cảm tính và vì thầy dạy mình đã khơi gợi tôi trở lại với sự đam mê tìm tòi! Tất cả những điều đó không quyết định trực tiếp cho những việc gì tôi làm được hôm nay, mà chúng là ngọn lửa tồn tại dai dẳng cho đến những ngày mình tìm được một số cơ hội tình cờ sau khi đã yên vị thành giảng viên trường ĐH! Sự gặp gỡ với những nhà khoa học lớn đã làm mình thấy rằng: những gì mình ao ước làm được không đâu xa vời cả, mà rất gần gũi bên mình, chỉ cần mình giữ lửa đam mê của mình không tắt! Và điều quan trọng là những bước đi đầu tiên của chúng ta không thể hoàn toàn là chủ quan một mình, mà phải có sự liên hệ, hiểu biết với những ngọn lửa dẫn đường của lớp người tài năng đi trước (qua tư liệu hay trực tiếp), với hành trang là vốn liếng kiến thức hiện có của bản thân và với một niềm tin là mình sẽ LÀM ĐƯỢC!
Khi đang bơ vơ ở một môi trường nông nghiệp đầy xa lạ, mặc dù học và rất yêu thích ngành sinh lý động vật, nhưng chưa thực sự quan sát một con bò ăn cỏ trước đó bao giờ, tôi theo chân một người đi trước làm nghiên cứu là chị Nguyễn Thị Lộc! Những nghiên cứu của chị Lộc rất đơn giản, nhưng đã mở mang cho tôi rằng, bắt đầu làm nghiên cứu không phải là những điều xa ngái cao siêu gì! Thế là từ đó tôi trôi theo dòng khoa học sinh học nông nghiệp này, may mắn hơn nữa tôi gặp Giáo sư Tiến Sỹ Egil Robert Orskov, người mở mắt cho tôi bởi những phát kiến, những nghiên cứu cơ bản đã làm thế giới nghiên cứu về gia súc nhai lại phải chuyển mình! Những ngày đầu thử làm một nghiên cứu theo nhu cầu của bà con xã Hương Vân: sử dụng lá lạc ủ nuôi lợn thịt, tôi tự bỏ tiền túi ra làm, đồng thời cho sinh viên kinh phí làm đề tài tốt nghiệp, sau đó xin được 800 ngàn đồng đề tài cấp trường, tôi thấy rất vui vì đã làm được một điều gì đó trong môi trường mới của mình. Sau đó tôi gửi ý tưởng này cho tổ chức SIDA-SAREC, đề tài lại được duyệt ngay với khoản tiền lớn nhất năm ấy là 4000 USD, và Tiến sỹ Brian Ogle (Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển) khi đến khảo sát công việc của tôi đã nhận tôi làm học trò ông và đưa đề tài vào chương trình thạc sỹ của SIDA-SAREC, sau đó, SIDA- SAREC và IAEA là những tổ chức đã tạo điều kiện cho tôi được ngụp lặn trong môi trường nghiên cứu. Tuy nhiên, đề tài lá lạc chỉ là bước đầu để tôi biết phải làm gì với ngành nông nghiệp chung chung, sau nó, tôi trở vê ngay với chủ đề lựa chọn của mình: sinh lý động vật, một chuyên ngành khá trừu tượng, không thể thiết kế một thí nghiệm khúc chiết như làm ủ xanh lá lạc, lá khoai…
Các bạn đừng hỏi tôi là làm thế nào để tìm kiếm được nhiều đề tài được cấp tiền, mà hãy hỏi là tôi đã làm gì để các tổ chức khoa học tin tưởng giao đề tài để nghiên cứu?
Như trên tôi nói, để đạt được điều mình muốn, tôi phải bỏ tiền ra trước, phải trằn mình không ngại khó ngại khổ, lặn lội không quản mưa gió về các trại heo trại bò. Nếu làm chỉ vì mục tiêu kiếm tiền, thì công tác nghiên cứu khoa học không phải là công việc lý tưởng! Vì nếu các bạn kiếm được một ít tiền trên đó, các bạn trả giá khá đắt! Vì phải lao tâm khổ tứ, chậm ăn mất ngủ, gia đình thiệt thòi! Chưa kể nhiều chuyện phiền toái khác. Riêng tôi, làm nghiên cứu vì “hobby” của chính mình, nên tôi dễ dàng chấp nhận chông gai trên các nẻo đường đi!
Có người làm nghiên cứu chỉ vì đang phải học thạc sỹ, tiến sỹ, tôi thì các bằng cấp ấy chỉ là kết quả hiển nhiên của quá trình làm nghiên cứu. Bởi vậy tôi đã làm Tiến sỹ khá muộn, điều này là dở nhất trong những cái dở của tôi, không biết tính toán để kiếm đủ điều kiện làm học hàm để có thể thắng cái quy định tuổi hưu bất khả của chính sách hiện tại đối với phụ nữ làm khoa học, mình mất cơ hội giữ thời gian cho cống hiến khoa học, dẫu cho là chẳng ai ngăn cản mình tiếp tục nghiên cứu, nhưng khi mình đã ngoài luồng rồi thì có thể làm gì?
Các nhà khoa học quốc tế họ thích nói thẳng làm thiệt! Vì vậy khi bàn gì với họ tôi thường nhận được sự ủng hộ. Nhưng điều trước tiên là hiệu quả công việc mình. Những kết quả làm ra, đôi khi mình chưa đủ kinh nghiệm để tự tin, nhưng thường thì phương pháp khoa học thì sẽ ra kết quả khoa học, những gì tôi làm được chẳng có gì ghê gớm, nhưng các tổ chức khoa học, các nhà khoa học liên quan và các tạp chí khoa học cho tôi biết được tôi đã hái quả ngọt từ sự đam mê của mình.
Chính bản thân tôi thì tôi không tự đánh giá mình là “dũng cảm”, nhưng tôi nói vậy vì nếu tôi kể ra đầy đủ những điều mình phải vượt qua thì các bạn trẻ sẽ lè lưỡi, rùng mình. Ví dụ như thầy Nam khoa Thủy sản, có lần thầy ở lại muộn trên trại thí nghiệm Thủy An, quá ngạc nhiên vì cô trò chúng tôi đang làm việc vào lúc 1 -2 giờ sáng! Một học trò đi theo thầy hỏi tôi: cô không sợ hả cô? Câu hỏi ấy làm tôi giật mình vì hóa ra lâu nay xong việc nửa đêm,  về lại thành phố phải ngang qua nghĩa địa Ngự Bình nổi tiếng mà tôi không hề để ý! Còn bà con làng Ngọc Anh ở Phú Thượng thì đồn thổi không biết mấy bóng áo trắng phất phơ  kia là ai mà cứ thấp thoáng thâu đêm nơi trại bò cạnh làng (đó là những chiếc áo bờ-lu của cô trò chúng tôi lúc những con bê thí nghiệm đang cần chế độ chăm sóc đặc biệt 24/24). Nói là "dũng cảm", cốt là trong thiết kế thí nghiệm, chỉ dựa vào một số cơ sở lý luận cơ bản, và chính sự tự tin của mình, chứ không lường trước hết kết quả, thất bại hay thành công vẫn thường cưỡi trọn trên chữ “liều”!
Ngoài ra, sự thành công còn phụ thuộc vào sự hợp tác với những đồng sự thật sự tâm huyết và hiểu nhau, tôi từng tự mỉm cười vì nghe người khác kể lại rằng cô Phượng đã nói: Làm với chị Thanh thì đừng nghĩ đến chuyện kinh tế! Nhưng có lẽ bởi thế, Phượng gắn bó với các công việc của tôi, chia sẻ đồng cam cộng khổ với tôi từ lúc tôi mới có một đề tài nghiên cứu thực sự, cho đến tận bây giờ! Các đồng nghiệp tôi hợp tác đều luôn nhịp nhàng trong công việc, tôn trọng khoa học và tin tưởng ở tôi, rất may mắn rằng tôi luôn có những người tài năng, thông minh và gắn bó với nhau như chị Thanh B, chị Lựu, Phượng, Hồng và lực lượng trẻ sáng tạo, nhiệt tình như Chào, Hiền… và không thể không nói rằng lực lượng quyết định cho sự thành công là các em sinh viên! Họ có tuổi trẻ và đầu óc nhanh nhạy, nói một hiểu mười, bị lây sự đam mê của thầy cô chứ không phải làm vì … sợ.
Những thành công khoa học nói chung của trường chúng ta không thể bỏ qua sự ủng hộ của cơ chế mở và sự tin cậy các nhà khoa học trong nhà trường, tôi không nịnh trường, nhưng cách làm việc của trường chúng ta từ trước cho đến gần đây hầu hết đã mở rộng con đường đi cho các nhà khoa học độc lập làm việc, tự tìm tòi và chủ động, tôi nói vậy là vì không phải trường nào, viện nào trong nước và trong ĐHH cũng làm được như thế! (Mặc dù nhà trường hầu như chỉ tạo điều kiện, chứ chưa thấy chủ động kéo dự án về để thu hút các nhà khoa học cùng triển khai) Tôi hy vọng trong hiện tại và sắp tới các thế hệ lãnh đạo của nhà trường vẫn tiếp tục làm được điều đó!
Những gì tôi làm được hôm nay không phải chỉ có những bài báo, những đề tài được cấp tiền, mà kể cả sự uy tín khoa học và mối quan hệ bạn bè thân hữu quốc tế rộng khắp.  Hôm nay, một nhà khoa học từ Israel tình cờ ghé vô bộ môn tôi, qua nói chuyện, ông ngạc nhiên vì tôi quen rất nhiều người mà ông biết! Cũng chẳng qua gặp nhau ở cái nghiệp tò mò với thế giới tự nhiên. Ở trường, tôi chẳng là ai, trong nước, tôi được một số bạn bè khoa học biết đến. Nhưng khi đến với các hội nghị khoa học quốc tế, tôi nhận được một sự tôn trọng và tình bằng hữu đồng nghiệp của rất nhiều nhà khoa học từng biết nhau trong nghiên cứu hoặc chỉ nghe tiếng. Nhiều tổ chức xuất bản, kể cả chính thống và kiếm tiền, thường muốn tôi gửi bài, hoặc mời tôi duyệt bài như các tạp chí “Livestock Science” của Elsevier, Lifescience Global, African Journal of Agriculture Reseach, Livestock Research for Rural Development… (nhiều trong số họ là các tạp chí trẻ) và hoặc muốn tôi gửi tiền :) để họ đưa tên tôi vào chương trình in sách những người nổi tiếng thế kỷ như “2000 Outstanding Scientists”, “Dictionary of  International Biography”, “The International Plato Award for Educational Achievement”, “top 100 educators”…  của các tổ chức như “Marquis Who’sWho”-USA, International Biographical center- Cambridge- England (tôi thường mỉm cười khi đọc trên báo chí hoặc internet một vài người thông báo các thành tích tương tự, tuy nhiên cũng được thôi, vì dẫu sao, họ cũng phải tìm được tên mình đâu đó trên hệ thống thông tin chính thống họ mới thành công được trong dịch vụ của họ!)
Ngoài làm khoa học, chúng ta cũng cần có các phương thức giao tiếp khoa học và thái độ sống chân tình, những điều đó cũng rất liên quan đến sự kết hoa kết trái của những bản đề cương khô khan.
Xin trân trọng cảm ơn!
                                                    Huế, ngày 15 tháng 2 năm 2012
                                                            Quế MF

4 nhận xét:

tranbachai nói...

Chúc mừng tân gia khoa học da Ku Ma Phia! (Nhiệt liệt!)X3

Q.MF nói...

@Bachai: hic hic, nhớ hồi nẳm đại ca kiu Cu mừ?

tranbachai nói...

Kiu Cu thì bị trách. Giờ Ku cũng hổng được sao?

Q.MF nói...

@Bachai: Kiểu gì thì các mafia nó cũng hổng thèm bít chúng có một... Cu (Ku)! he he
Đại ca có thời gian thì phê phán trang này cật lực vào cho chúng bít tay nha!