Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

TÍNH LÃNG MẠN TRONG KIẾN TRÚC LĂNG CỦA CÁC HOÀNG ĐẾ


Võ Thị Kim Thanh1 và Nguyễn Vũ Trọng Thi2.
1Đại Học Huế
2Nghiên cứu sinh. Università Politecnica delle Marche, Department of Construction, Civil Engineering and Architecture, Faculty of Engineering
 (Bài viết theo sự đặt bài của Department of Construction, Civil Engineering and Architecture, Faculty of Engineering, Università Politecnica delle Marche. Bản tiếng Việt)

Ý tưởng xây dựng cho mình một chốn vĩnh hằng vừa tồn giữ quyền uy của đấng thiên tử, đồng thời đan lồng sự lãng mạn cho tâm hồn thi ca, đã làm cho các nhà vua và cũng là nhà thơ của Triều Nguyễn hiến cho người đời những công trình kiến trúc để đời và mãi mãi được chiêm ngưỡng. Những công trình này dành cho du khách những phút giây vừa tò mò với một di tích, nhưng lại được một cảm giác thư giãn tuyệt vời khi thả mình giữa chốn không gian tĩnh mịch u hoài với vi vút tiếng thông reo. Cảm giác đó dường như là sự khác biệt so với khi viếng thăm nhiều di sản văn hóa khác trên thế giới.
Hình 1: Đường đến Minh Lâu. Lăng vua Minh Mạng. Ảnh: VTK Thanh

Chúng tôi không bàn sâu về lịch sử hay kiến trúc công trình, mà chỉ là những cảm nhận của những người may mắn sống trên xứ Huế và thường xuyên thăm viếng mà chưa bao giờ thấy mình đã chiêm ngưỡng và cảm nhận đủ về nguồn tài nguyên tinh thần này.

CÓ MỘT VƯỜN THƯỢNG UYỂN Ở NGOẠI Ô HUẾ

Hãy để một cuộc viếng thăm thật nhẩn nha cho lăng của nhà vua Minh Mạng. Ngoài sự tôn nghiêm vốn có của một chốn hoàng thành, ngoài sự thâm u của một nơi chốn đi về của những linh hồn mà thực thể đã tan hòa với cát bụi trùng khơi cùng năm tháng, lăng Vua Minh Mạng cho du khách một cảm giác phiêu lãng tuyệt vời. Dĩ nhiên, các đấng minh quân tài hoa ngày ấy không nghĩ rằng công trình của mình có một ngày lại trở thành nơi chiêm ngưỡng, tôn vinh nền văn hóa nước Việt đồng thời là chốn thư giãn sang trọng cho thiên hạ bốn bể năm châu, người có thân thế cao sang hoàng thân quốc thích hay thợ thầy chân đất một ngày nghỉ ngơi sau năm tháng gánh gồng. Nhưng điều đó hôm nay đã hiển nhiên làm cho những công trình chủ thể đổi thay giá trị tinh thần.
Kiến trúc lăng vua Minh Mạng đã hàng trăm năm tỏa sáng theo ý tưởng của tinh thần xuyên suốt của 21 năm trị vì đất nước: “Quang Minh Chính Đại”. “Lăng là một quần thể kiến trúc gồm cung điện, lâu đài, đình tạ  được bố trí đăng đối trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700m, bắt đầu từ Đại Hồng Môn đến chân La thành sau mộ vua”[1]. Xen giữa và bao quanh những công trình kiến trúc đặc trưng của một nơi chốn âm dương giao hòa của miền vương phủ này là thiên nhiên và hoa lá. Cứ sau một lần dừng chân cho một biệt điện sơn son thiếp vàng có kiến trúc đặc biệt dành cho cõi tâm linh u tịch, huyền bí khiến du khách phải kết nối sự hình dung với dĩ vãng của các bậc Thiên Triều trong sự tôn ngưỡng, rồi bước ra, là lữ khách được đón chào bởi một không gian tươi rói, rạng rỡ sắc màu, dẫu cho thời tiết là nắng hay mưa. Nhà thơ đồng thời là đấng minh vương Minh Mạng với những ý tưởng thiết kế độc đáo, như tung hứng người đời sau với những cung bậc thăng trầm của cảm xúc khi hân hạnh được bước qua mỗi không gian thiết kế khúc chiết mà huy hoàng này. Ai đó nói, nhà vua tham vọng muốn bá chủ cả đất trời trong ý tưởng thiết kế lăng [1], chúng tôi nghĩ rằng, âu đã làm người, lại là người lãng mạn và yêu thiên nhiên thì hình như ai cũng mang trong mình tham vọng, không phải là bá chủ, mà là muốn thu tất cả sự lộng lẫy của vũ trụ vào trong niềm khao khát của mình!
Hình 2: Trục Thần Đạo. Lăng vua Minh Mạng. Ảnh: VTK Thanh

Cụm từ ‘vườn Thượng Uyển” cứ âm âm trong tôi mỗi khi ra khỏi một cụm di tích là được đắm mình vào một khoảnh vườn tươi mát lộng lẫy, giản dị mà sắc màu tươi mươi. Những người quản lý di tích như đã cảm được hết ý nghĩa của vấn đề này, nên ý tưởng của người dựng nên cơ đồ được tiếp thêm sức sống bởi những khóm hoa đủ sắc màu rung rinh trong khuôn viên lấp lánh bởi các ốp ngói âm dương, làm sống động hóa sự huy hoàng rạng rỡ của Ngự Uyển Hoàng Cung giữa thoang thoảng hương hoa sứ đài các và u hoài. Ngắm gần, nhìn xa, du khách đều được mãn nhãn bởi một thiên nhiên xanh tươi trong huyền lâm và thanh thủy. Sự tài hoa trong ý tưởng kiến trúc của vua cha Minh Mạng dường như được vua con Thiệu Trị từ chữ hiếu mà làm cho tổng thể công trình được nâng lên về giá trị của sự hoành tráng mà siêu thoát, uy nghiêm mà phiêu bồng.
Hình 3. Hoa trong “vườn Ngự Uyển”. Ảnh: VTK Thanh

MỘT CÔNG VIÊN HOÀNG GIA

Nếu Lăng Vua Minh Mạng được khuôn viên Ngự Uyển làm mềm đi các kiến trúc đăng đối uy nghiêm như một bài thơ Đường: hay mà nghiêm khắc luật câu chữ, thì Lăng vua Tự Đức được kiến trúc trong một ý tưởng “mở” như một bài thơ lãng mạn theo thể tự do mà hài hòa câu tứ. Vốn lăng được xây dựng đồng thời như một nơi vi hành của thơ ca xướng họa, thư giãn dương trần, làm cho công trình nhẹ đi sự u tịch mà sống động như ông Hoàng đang còn thấp thoáng đâu đây. Thay vì thẳng tắp như quân lệnh theo đường Thần đạo thì ở đây con đường đi đến Bửu Thành uốn lượn mềm mại bên triền dòng Lưu Khiêm. Trong khi phía tả trầm mặc với đền đài miếu mạo thì phía hữu là Tịnh Khiêm đảo hữu tình, Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ duyên dáng soi bóng xuống hồ sen thơm ngát.
Hình 4. Nghênh Lương Quán. Lăng vua Minh Mạng. Ảnh: VTK Thanh

Cho đến cuối con đường, du khách rồi cũng tìm ra được Bửu Thành và Lăng Khiêm Thọ… gọn gàng và giản dị một cách ngạc nhiên, nơi ngàn thông xao xuyến reo như thầm ru giấc ngàn thu nơi cuối trời của nhà Vua tinh tú và Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu khả ái của Người. Tuy nhiên phải nhận ra rằng, Vạn Niên Cơ (Khiêm Cung) được xây dựng trên ý tưởng không chỉ làm khu lăng mộ, mà như một dưỡng đường để đức vua đôi lúc lánh mình khỏi chốn chánh cung đô hội, vì vậy đây không hẳn là một sự cách điệu trong kiến trúc lăng như bao sách bút đã truy vấn thảo lược [2], mà thật sự lăng chỉ là một cụm kiến trúc bao gồm trong dưỡng đường, bắt đầu từ các bậc tam cấp bước lên Bái Đình. Vì vậy không lạ là chỉ khu vực này mới xây cất bằng gạch, đá kiên cố. Còn các miếu đền phía ngoài hầu hết được kiến trúc bằng gỗ như trong Hoàng cung.
Hình 5. Xung Khiêm Tạ. Lăng vua Tự Đức. Ảnh: VTK Thanh

Cả công trình như một đại công viên mà ý tưởng tài hoa của kiến trúc sư hòa lẫn với sự thăng hoa của thi nhân ý chỉ đã hình thành nên. Những công đoạn kiến trúc khiến lữ khách đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thuở còn rất trẻ, khi nơi đây chưa là một điểm du lịch, chúng tôi thường lang thang với ngàn thông vi vút, suối chảy róc rách, những thân cây đại mỹ miều với những cánh hoa nuột nà vàng mơ dâng tỏa một làn hương dịu ngọt, chúng tôi ngắm, chúng tôi vẽ, mấy cũng không thấy mình cảm được hết tuyệt tác đại mỹ quan này.
   
Tài liệu tham khảo
[2] http://www.hueworldheritage.org.vn/?catid=109&id=214

Huế. Tháng 11 năm 2012