Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Phụ nữ và nghiên cứu khoa học

(Viết theo sự đặt bài của Hội nghị KH nữ CBCC Đại học Huế nhân ngày 20-10-2004)

"What the Scientists have been doing for us?"




Ngoài việc giảng dạy, sứ mệnh thứ hai của chúng tôi là làm nghiên cứu, tôi xin tản mạn một số suy nghĩ về sự nghiệp làm khoa học của các nhà khoa học là phụ nữ và phụ nữ Việt Nam nói riêng, cũng như những công việc của chính chúng tôi.
Sự thành bại của hoạt động trí tuệ nói chung và những người hoạt động khoa học nói riêng không phải chỉ phụ thuộc vào trí thông minh, mà phần lớn là do có hay không tình yêu lao động, từ đó dệt nên tính cần cù để ngày ngày tích luỹ sự thành công. Thomas Alva Edison, nhà phát minh thiên tài người Mỹ (1847-1931) từng nói rằng: “Thiên tài được hình thành nhờ 1% trí thông minh, còn 99% là do sự siêng năng cần cù!”2
Những tài danh khoa học nữ trên thế giới như Marie Curie hay Sofia Kovalevskaya đều đi đến với sự nghiệp trên một con đường chông gai, nhưng đã thành công trong sự nghiệp nhờ vào sự kiên trì vượt khó và trong đó còn bao gồm yếu tố cá tính mạnh mẽ quyết tâm theo đuổi hoài bão khoa học của mình.
Các nhà khoa học nữ ở Việt nam, mặc dù đang sống và hoạt động trong thời đại mới, có nhiều chính sách ưu việt về giới, nhưng trong tiềm thức sâu xa của quan điểm từ mỗi địa phương, mỗi gia đình, cái nhìn về vị trí người phụ nữ trong xã hội dẫu không hoàn toàn còn “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu ...” nhưng vẫn  nhẹ nhàng rằng: ”thiên chức của người phụ nữ là làm mẹ và làm vợ”. Thật ra phụ nữ chúng ta yêu thích điều đó và cũng tự hào về điều đó lắm. Nhưng, chưa nói gì về chuyện vai trò xã hội, mà riêng về chuyện kinh tế gia đình, thì điều kiện của ta cũng chưa cho phép người phụ nữ chỉ vui vẻ với thiên chức trên. Hơn nữa, như đã nói ở trên, tư chất của người lao động nói chung và người làm khoa học nói riêng là phải cần cù, kiên trì và dũng cảm, nếu phân tích về yếu tố tâm sinh lý qua các thời đại, người phụ nữ Việt nam có đủ các tố chất này, chưa dám nói là so sánh bằng hay hơn đối với người khác giới. Thật ra, tự thuở sơ khai mở nước, thấy rõ trong lịch sử hào hùng của nước Việt, những người anh hùng đầu tiên của dân tộc lại là các bà Trưng!
Sự nghiệp làm khoa học của người phụ nữ Việt nam đến rất muộn so với thế giới, nhưng ta có những chị như Hoàng Xuân Sính, Trần Thanh Vân và hơn 30 phụ nữ đoạt được giải thưởng Kovalevskaya. Thế nhưng, khi có sự nghiệp, có nghĩa cũng là thêm một gánh trách nhiệm lên vai người phụ nữ. Khi nói về khái niệm “hết mình” trong sự nghiệp làm văn của một nữ nhà văn, Nguyễn Thị Thu Huệ đã nói rằng: “Phụ nữ viết văn không phải chuyện đơn giản, bởi bên cạnh còn biết bao chức phận khác. Làm con đối với mẹ, làm mẹ đối với con, chỉ riêng hai điều đó cũng đủ để tôi bù đầu cả ngày. Nếu trong gia đình người bố viết văn, thì tức khắc công việc đó mới thiêng liêng làm sao. Nếu là đêm mùa hè, người vợ sẽ lặng lẽ đặt lên bàn cốc nước mát, rồi suỵt lũ trẻ không được làm ồn “để yên cho bố làm việc”. Còn người phụ nữ viết văn như tôi, liệu có thể từ chối con mình khi chúng đến nắm áo vòi vĩnh, trong lúc đang say sưa với những ý tưởng văn chương sáng tạo”3.  Là một người phụ nữ làm khoa học, tôi hoàn toàn tìm thấy sự đồng cảm trong sự bộc bạch này. Đang say sưa với tiến độ công việc, bỗng giật mình vì chưa đi chợ, đang mải miết phân tích số liệu chợt nhớ mình quên đón con. Đó là chuyện thường tình. Có lần có một người bạn bác sỹ hẹn tới nhà vào buổi trưa, thấy tôi chưa về mà trong nhà chưa có gì ăn, chị vội ra chợ mua giúp thức ăn, mãi không thấy tôi về, chị bèn vào bếp nấu luôn, hôm ấy tôi đang chuẩn bị mẫu để phân tích tại phòng thí nghiệm, cố cho xong công việc rồi về, không dè đã muộn lắm lúc nào không biết! Chưa kể một ngày gần đây nhất, sau khi viết xong một bài báo, tôi thở phào, chợt nghe mùi khét, nhìn quanh nhà rồi xuống bếp, hoá ra tôi đã hầm một nồi xương với ngó sen thành than!
Nói cho cùng, ta vẫn là phụ nữ Việt nam, nên ta vẫn nâng niu thiên chức của mình, không thể không giành thời gian chiều chuộng con, chăm sóc bố mẹ và giúp đỡ chồng. Rồi tối đến, khi mọi người đã ngủ, ta một mình một vương quốc, có thể làm việc suốt đêm!
Đó là mới nói về chuyện đời sống hằng ngày, còn trong công việc, đâu là khó khăn, gì là thuận lợi? Chúng tôi là những người làm công tác khoa học nông nghiệp, đối tượng là các miền quê, là cánh đồng, là chuồng bò, trại lợn. Những người hoạt động khoa học đều có một tấm lòng muốn làm cái gì cho đời sống dân mình được nâng cao hơn, người nông dân mình đỡ cực nhọc vất vả hơn. Thế là mỗi người một xe máy, đi về chẳng kể nắng mưa. Đa số chị em hoạt động khoa học ở khoa chúng tôi, sau nhiều năm làm chủ trì các đề tài nghiên cứu cấp trường, cấp bộ và cấp nhà nước cũng như nhiều đề tài hợp tác với các quốc gia khác, đều có một tư thế chủ động đầy tự tin khi thảo luận với nông dân cũng như ngồi ở các nghị trường hội thảo quốc gia và quốc tế. Chúng tôi gắn bó, liên kết và hoà đồng giữa mối quan hệ nhà nông - nhà khoa học - chuyên gia quốc tế. Điều đó không phải ngày một ngày hai mà làm được, để cho nhà nông hiểu vấn đề nghiên cứu dễ dàng như họ hiểu chính cánh đồng và gia súc của họ, mình phải đưa công việc của họ vào chính công việc của mình, khả năng chuyên môn và ngoại ngữ phải đủ để cho chuyên gia quốc tế sẵn sàng hợp tác với mình và nông dân mình tiếp nhận được kinh nghiệm từ họ. Sở dĩ tôi bảo vệ thành công đề cương “Sử dụng nguồn thức ăn địa phương để chăn nuôi trâu bò có hiệu quả” trước hội đồng khoa học nhà nước, là vì vấn đề tôi đưa ra được đánh giá có tính khả thi, gắn liền với mong ước thực tiễn của người nông dân cũng như tiếp cận với phương pháp nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu. Điều đó có được do mình hiểu nông dân mình và các nhà chuyên môn quốc tế tầm cỡ tin tưởng lối làm việc của mình qua nhiều năm cộng tác trong nghiên cứu. Chúng tôi vừa làm nhà khoa học, vừa làm học trò, kể cả là học trò của chính các nhà nông, việc đồng áng làm cho các nhà khoa học nẩy ra những vấn đề nghiên cứu. Đề tài khoa học nông nghiệp đầu tiên tôi thực hiện độc lập chính là từ sự đề xuất của nông dân trong một lần về làm việc với xã Hương Vân, huyện Hương Trà. Họ nói rằng lạc hằng năm được thu hoạch với sản lượng lớn, nhưng phần lá lạc thì hầu như bỏ vì rất mau thối hỏng, các thầy các cô có thể giúp nghiên cứu cách gì để sử dụng cho chăn nuôi không? Thế là đề tài sử dụng lá lạc ủ trong chăn nuôi lợn thịt của tôi ra đời trong chương trình hợp tác nghiên cứu với Thuỵ Điển. Điều lí thú là chúng tôi có mối quan hệ làm việc tay ba: nhà khoa học nữ - hội phụ nữ xã - người chăn nuôi chính tại các nông hộ cũng thường là phụ nữ luôn! Chúng ta thường nói: “phụ nữ với nhau dễ hiểu nhau”, dường như các chị nông dân rất thích thổ lộ cái vui cái buồn trong chăn nuôi của họ với các nhà khoa học nữ..
Song le, lại trở về vấn đề “thiên chức”, phàm đã làm khoa học thì lại phải đi công tác, tham dự hội nghị, hội thảo ...việc đi thì phải đi mà tâm để ở nhà, lo con không ai đón, lo cha, mẹ trái gió trở trời không người biết chăm, lo mấy chậu cây nắng già bị quên tưới, lo bữa ăn chưa hợp khẩu vị cho cả nhà... một nỗi lo triền miên của những người phụ nữ. Thế, nhưng một khi đã đảm nhiệm một đề tài, các chị em lại nhẫn nại như con ong cái kiến, lại thể hiện sự hết mình cho công việc.
Tiến sỹ Đoàn Hương có nói rằng: “Trong khoa học, không có nhà khoa học nam hay nhà khoa học nữ. Cũng không có đặc ân cho các nhà khoa học nữ. Chúng ta bình đẳng với các nhà khoa học là nam giới. Chúng ta có quyền thảo luận, ngay cả tranh cãi với họ”4. Các nhà khoa học nữ đều đứng trên quan điểm đó khi dấn thân vào sự nghiệp làm khoa học, đó là một sự quả cảm, vì bên cạnh đó, ta biết rằng ta vẫn được gọi là “phái yếu” và ta chẳng chối từ được những bản năng làm con, làm mẹ, làm vợ! Rồi thì, phải chăng vì những bản năng đó mà hình thành nên tính bền bỉ và cần cù trong lao động khoa học cho các nhà khoa học nữ ở Việt nam.

Huế 1/10/2004
Quế MF
__________________________________________

1Khoa khoa học vật nuôi,Đại học Nông Lâm Huế
2Edison, Thomas Alva, Encyclopedia Article
             http://encarta.msn.com/encyclopedia_761563582/Thomas_Edison.html
3Nguyễn Thị Thu Huệ-Người đẹp viết văn
             http://vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2004/04/3B9D180F/
4My life is associated with scientific works
             http://www.vov.org.vn/2004_06_27/english/baituan/nhanvatvasukien.htm



2 nhận xét:

Badman nói...

Chuẩn không cần chỉnh .
Làm khoa học không có ghế cho các quân vương . Tất cả đều phải lao động bình đẳng như nhau .
Tài chính chỉ hỗ trợ phần nào , nhưng quyết không phải là lá bùa để hô thần chú .
Chúc Q.MF thỏa ước bình sinh trên bình diện khoa học .

Q.MF nói...

@K6LS: Chào mừng đại ca ghé thăm! Hic, tưởng ruộng này hoang sơ quá không ai tới, hóa ra các đại ca đã đáp tới! Mấy bài nì viết theo chương trình đặt bài, lại phải trình bày giữa ba quân thiên hạ nên không thả chí Quế được, zưng mà cũng ... hổng giống ai!