http://khampha.vn/toi/phai-yeu-lam-khoa-hoc-vua-xay-lua-vua-am-em-c8a67319.html
TS. Võ Thị Kim Thanh dự hội nghị khoa học tại IAEA
Phái yếu làm khoa học: Vừa xay lúa, vừa ẵm em
Thứ sáu, 08/03/2013, 06:05 (GMT+7)
“Gần đây nhất, sau khi viết xong một bài báo cáo, tôi thở phào, chợt nghe mùi khét. Nhìn quanh nhà rồi xuống bếp, hoá ra tôi đã hầm một nồi xương với ngó sen thành than!” - Đó là một trong những câu chuyện vui có thật của TS. Võ Thị Kim Thanh (Trường ĐH Nông - Lâm Huế).
LTS: Thành ngữ có câu “xay lúa thì khỏi ẵm em", nhưng có ý kiến cho rằng phụ nữ ngày nay ”vừa phải xay lúa, vừa phải ẵm em”. Với phụ nữ theo con đường khoa học dù có đam mê, say nghề đến mấy thì cũng cần phải cân đối giữa công việc và gia đình. Phải làm thế nào để họ có thể dồn hết tâm lực vào nghiên cứu khoa học nhưng vẫn có một gia đình yên ấm, hạnh phúc như mong muốn của bất kỳ người phụ nữ nào?
Dưới đây khampha.vn xin trích đăng những tâm sự - những câu chuyện đời thực của Tiến sĩ Võ Thị Kim Thanh (Đại học Nông Lâm - Huế) để thấy phần nào sự cố gắng của một phụ nữ khi họ dấn thân theo con đường khoa học.
“Tìm” tiền ở đâu?
... Các bạn đừng hỏi tôi là làm thế nào để tìm kiếm được nhiều đề tài được cấp tiền mà hãy hỏi tôi đã làm gì để các tổ chức khoa học tin tưởng giao đề tài nghiên cứu. Để đạt được điều mình muốn, để thỏa niềm đam mê của mình, tôi phải bỏ tiền ra trước, phải trằn mình không ngại khó ngại khổ, lặn lội không quản mưa gió về các trại heo, trại bò.
... Sở dĩ tôi bảo vệ thành công đề cương “Sử dụng nguồn thức ăn địa phương để chăn nuôi trâu bò có hiệu quả” trước hội đồng khoa học nhà nước, là vì vấn đề tôi đưa ra được đánh giá có tính khả thi, gắn liền với mong ước thực tiễn của người nông dân cũng như tiếp cận với phương pháp nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu. Điều đó có được do mình hiểu nông dân mình và các nhà chuyên môn quốc tế tầm cỡ tin tưởng lối làm việc của mình qua nhiều năm cộng tác trong nghiên cứu.
TS. Võ Thị Kim Thanh cùng ông Malcom Bruce (Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc tế Anh) làm việc với nông dân tại huyện Hương Trà, TT-Huế
Đa số các nhà KH nữ ở trường chúng tôi đều gần gũi với nhà nông và tự tin, thoải mái ở các hội thảo quốc tế. Muốn làm được điều đó, chúng tôi vừa làm nhà khoa học, vừa làm học trò, kể cả là học trò của chính các nhà nông. Việc đồng áng làm cho các nhà khoa học nẩy ra những vấn đề nghiên cứu.
Đề tài khoa học nông nghiệp đầu tiên tôi thực hiện độc lập chính là từ sự đề xuất của nông dân trong một lần về làm việc với xã Hương Vân, huyện Hương Trà, TT-Huế. Họ nói rằng lạc hằng năm được thu hoạch với sản lượng lớn, nhưng phần lá lạc thì hầu như bỏ vì rất mau thối hỏng, các thầy các cô có thể giúp nghiên cứu cách gì để sử dụng cho chăn nuôi không? Thế là đề tài sử dụng lá lạc ủ trong chăn nuôi lợn thịt của tôi ra đời trong chương trình hợp tác nghiên cứu với Thuỵ Điển.
TS. Võ Thị Kim Thanh cùng đoàn Bộ Khoa học-Công nghệ làm việc tại Bộ Ngoại gia Italy 2004
Điều lí thú là chúng tôi có mối quan hệ làm việc tay ba: nhà khoa học nữ - hội phụ nữ xã - người chăn nuôi chính tại các nông hộ cũng thường là phụ nữ luôn! Chúng ta thường nói: “phụ nữ với nhau dễ hiểu nhau”, dường như các chị nông dân rất thích thổ lộ cái vui cái buồn trong chăn nuôi của họ với các nhà khoa học nữ..
Nếu làm chỉ vì mục tiêu kiếm tiền thì công tác nghiên cứu khoa học không phải là công việc lý tưởng! Vì nếu các bạn kiếm được một ít tiền trên đó, các bạn trả giá khá đắt! Vì phải lao tâm khổ tứ, chậm ăn, mất ngủ, gia đình thiệt thòi! Chưa kể nhiều chuyện phiền toái khác.
Chợt nhớ: Quên đón con, nồi xương hầm trên bếp...
Tôi rất thích câu nói của Tiến sỹ Đoàn Hương rằng: “Trong khoa học, không có nhà khoa học nam hay nhà khoa học nữ. Cũng không có đặc ân cho các nhà khoa học nữ. Chúng ta bình đẳng với các nhà khoa học là nam giới. Chúng ta có quyền thảo luận, ngay cả tranh cãi với họ”.
Những tài danh khoa học nữ trên thế giới như Marie Curie hay Sofia Kovalevskaya đều đi đến với sự nghiệp trên một con đường chông gai, nhưng đã thành công trong sự nghiệp nhờ vào sự kiên trì vượt khó và trong đó còn bao gồm yếu tố cá tính mạnh mẽ quyết tâm theo đuổi hoài bão khoa học của mình.
Thế nhưng, khi có sự nghiệp, có nghĩa cũng là thêm một gánh trách nhiệm lên vai người phụ nữ. Khi nói về khái niệm “hết mình” trong sự nghiệp làm văn của một nữ nhà văn, Nguyễn Thị Thu Huệ đã nói rằng: “Phụ nữ viết văn không phải chuyện đơn giản, bởi bên cạnh còn biết bao chức phận khác. Làm con đối với mẹ, làm mẹ đối với con, chỉ riêng hai điều đó cũng đủ để tôi bù đầu cả ngày. Nếu trong gia đình người bố viết văn, thì tức khắc công việc đó mới thiêng liêng làm sao. Nếu là đêm mùa hè, người vợ sẽ lặng lẽ đặt lên bàn cốc nước mát, rồi suỵt lũ trẻ không được làm ồn “để yên cho bố làm việc”. Còn người phụ nữ viết văn như tôi, liệu có thể từ chối con mình khi chúng đến nắm áo vòi vĩnh, trong lúc đang say sưa với những ý tưởng văn chương sáng tạo”. Là một người phụ nữ làm khoa học, tôi hoàn toàn tìm thấy sự đồng cảm trong sự bộc bạch này.
Nhiều khi đang say sưa với tiến độ công việc, bỗng giật mình vì chưa đi chợ. Đang mải miết phân tích số liệu chợt nhớ mình quên đón con.
Có lần, một người bạn bác sỹ hẹn tới nhà vào buổi trưa, thấy tôi chưa về mà trong nhà chưa có gì ăn, chị vội ra chợ mua giúp thức ăn. Mãi vẫn không thấy tôi về, chị bèn vào bếp nấu luôn. (Hôm ấy tôi đang chuẩn bị mẫu để phân tích tại phòng thí nghiệm, cố cho xong công việc rồi về, không dè đã quá muộn lúc nào không biết!)
Chưa kể một ngày gần đây nhất, sau khi viết xong một bài báo, tôi thở phào. Nhưng rồi chợt nghe mùi khét. Nhìn quanh nhà rồi xuống bếp. Hóa ra tôi đã hầm một nồi xương với ngó sen thành than!
TS Thanh giảng bài cho sinh viên
“Nói cho cùng, ta vẫn là phụ nữ Việt Nam”
Nói cho cùng, ta vẫn là phụ nữ Việt nam, nên ta vẫn nâng niu thiên chức của mình, không thể không dành thời gian chiều chuộng con, chăm sóc bố mẹ và giúp đỡ chồng.
Rồi tối đến, khi mọi người đã ngủ, ta một mình một vương quốc, có thể làm việc suốt đêm!
Lại trở về vấn đề “thiên chức”, phàm đã làm khoa học thì lại phải đi công tác, tham dự hội nghị, hội thảo... Việc đi thì phải đi mà tâm để ở nhà, lo con không ai đón, lo cha, mẹ trái gió trở trời không người biết chăm, lo mấy chậu cây nắng già bị quên tưới, lo bữa ăn chưa hợp khẩu vị cho cả nhà... Một nỗi lo triền miên của những người phụ nữ.
Thế nhưng bằng một sự quả cảm, vì bên cạnh đó, ta biết rằng ta vẫn được gọi là “phái yếu”. Và ta chẳng chối từ được những bản năng làm con, làm mẹ, làm vợ!
Rồi thì, phải chăng vì những bản năng đó mà hình thành nên tính bền bỉ và cần cù trong lao động khoa học cho các nhà khoa học nữ ở Việt nam”.
Võ Thị Kim Thanh